Mặc dù nguồn thu ngân sách sụt giảm bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và thiên tai liên tiếp, song nhờ chủ động trong điều hành nên cân đối ngân sách trung ương và ngân sách của các địa phương vẫn được đảm bảo.
Báo cáo tình hình công tác của Bộ Tài chính tháng 11 năm 2020 cho thấy, tổng thu cân đối NSNN thực hiện tháng 11 ước đạt 108,94 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu 11 tháng năm 2020 ước đạt 1.260,9 nghìn tỷ đồng, bằng 83,4% dự toán, giảm 7,8% so cùng kỳ năm 2019. Trong đó: thu ngân sách trung ương đạt 77,4% dự toán, thu ngân sách địa phương đạt 91,1% dự toán. Cụ thể, thu nội địa thực hiện tháng 11 ước đạt 89,2 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu 11 tháng ước đạt 1.067 nghìn tỷ đồng, bằng 84,4% dự toán, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2019. Thu từ dầu thô thực hiện tháng 11 ước đạt 1,9 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu 11 tháng ước đạt 31,5 nghìn tỷ đồng, bằng 89,5% dự toán, giảm 38,9% so với cùng kỳ năm 2019. Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu thực hiện tháng 11 ước đạt 17,8 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu 11 tháng ước đạt 161,5 nghìn tỷ đồng, bằng 77,6% dự toán, giảm 19,6% so với cùng kỳ năm 2019, trên cơ sở tổng số thu thuế ước đạt 281,4 nghìn tỷ đồng, bằng 83,3% dự toán, giảm 11,8%. Hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ gần 119,9 nghìn tỷ đồng.

Toàn ngành Tài chính nỗ lực thực hiện nhiệm vụ
Để chống thất thu ngân sách nhà nước, trong 11 tháng đầu năm, các cơ quan quản lý thu ngân sách đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế và thu ngân sách nhà nước, qua đó phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm.
Cùng với nỗ lực trong công tác thu và điều hành thu ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cũng thực hiện tốt công tác điều hành chi ngân sách nhà nước. Tổng chi ngân sách nhà nước tháng 11 ước đạt 124,1 nghìn tỷ đồng, đáp ứng các nhiệm vụ chi phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn. Luỹ kế chi ngân sách nhà nước 11 tháng đạt 1.369,6 nghìn tỷ đồng, bằng 78,4% dự toán, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 71,4% dự toán (tính cả kế hoạch vốn năm 2019 được kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2020 và số kế hoạch giao bổ sung trong năm, đạt 63,49% kế hoạch được giải ngân năm 2020); Chi trả nợ lãi đạt 80% dự toán; Chi thường xuyên đạt 87,9% dự toán.
Đến nay, ngân sách nhà nước đã chi khoảng 17,9 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Ngân sách trung ương đã sử dụng hơn 4,54 nghìn tỷ đồng dự phòng để chi khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt và dịch tả lợn châu Phi (trong đó: hỗ trợ 9 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên khắc phục hậu quả bão, lũ và 11 tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả mưa đá, dông lốc, lũ quét, sạt lở đất tổng số tiền 1,63 nghìn tỷ đồng). Bên cạnh đó, đã thực hiện xuất cấp gần 32,95 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai và giáp hạt đầu năm.
Mặc dù nguồn thu ngân sách sụt giảm, song nhờ chủ động trong điều hành nên cân đối ngân sách trung ương và ngân sách của các địa phương vẫn được đảm bảo. Tính đến hết tháng 11/2020, Bộ Tài chính đã phát hành được gần 290 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 13,81 năm, lãi suất bình quân 2,9%/năm (bình quân năm 2019 là 4,51%/năm).
Trong công tác quản lý giá, thị trường, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành và địa phương triển khai các giải pháp đồng bộ, tích cực để bình ổn giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng do Nhà nước định giá; đẩy mạnh kiểm tra chấp hành pháp luật về giá trong các hoạt động kê khai, tham vấn giá, xử lý các sai phạm trong quản lý, điều hành giá. Nhờ đó, sau khi tăng mạnh trong quý I, từ tháng 4 đến nay, chỉ số CPI đã giảm dần và đến nay được kiểm soát trong phạm vi Quốc hội quyết định (dưới 4%).
Về công tác quản lý nợ và tài chính đối ngoại, trong tháng 11 Bộ Tài chính thực hiện ký kết Hiệp định tài trợ cho dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho 04 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ với AFD trị giá 135 triệu USD và Hiệp định tài trợ cho dự án Thoát nước và xử lý nước thải thành phố Hạ Long với JICA trị giá 107,2 triệu USD. Tính chung từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã ký kết 12 hiệp định vay vốn nước ngoài trị giá gần 1.220 triệu USD. Trong tháng 11 năm 2020, thực hiện rút vốn vay nước ngoài của Chính phủ khoảng 124,7 triệu USD, trong đó cấp phát khoảng 44,9 triệu USD, cho vay lại khoảng 79,8 triệu USD. Lũy kế 11 tháng, rút vốn nguồn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài khoảng 1.840 triệu USD (tương đương khoảng 42.598 tỷ đồng, đạt khoảng 41,8% kế hoạch), trong đó cấp phát khoảng 1.097 triệu USD, vốn vay về cho vay lại khoảng 743 triệu USD.
T.N-www.mof.gov.vn