VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG
Trung tâm Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (sau đây gọi tắt là Trung tâm) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tài chính tỉnh Long An, thực hiện tham mưu và triển khai công tác xúc tiến đầu tư; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đến tìm hiểu môi trường đầu tư, tiếp cận, triển khai dự án đầu tư tại tỉnh Long An; hỗ trợ tư vấn thủ tục và cung cấp các dịch vụ có liên quan theo quy định của pháp luật.
Trung tâm có tên bằng tiếng Anh là: Investment Promotion and Support Center (viết tắt: IPSC)
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
1. Về xúc tiến đầu tư
a) Tham mưu và triển khai hiệu quả các hoạt động ngoại giao kinh tế phù hợp với chủ trương, đường lối đối ngoại của trung ương và định hướng phát triển của tỉnh, thúc đẩy thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư;
b) Tham mưu xây dựng, tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư hàng năm, dài hạn theo Chương trình, Kế hoạch do UBND tỉnh phê duyệt, bao gồm:
- Nghiên cứu thị trường, đánh giá tiềm năng, xu hướng và đối tác đầu tư.
- Xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và các ấn phẩm, tài liệu phục vụ hoạt động xúc tiến đầu tư.
- Tham mưu xây dựng danh mục dự án mời gọi đầu tư.
- Xây dựng hình ảnh, cung cấp thông tin kinh tế - xã hội của tỉnh, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong và ngoài nước thực hiện các hoạt động truyền thông, quảng bá, giới thiệu về môi trường đầu tư, tiềm năng, cơ hội, chính sách và kết nối các nhà đầu tư.
- Chủ động tiếp cận các nhà đầu tư tiềm năng, kết nối, tham mưu tổ chức các cuộc tiếp xúc làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư để mời gọi đầu tư; tìm kiếm, xây dựng chương trình hợp tác đầu tư, tạo điều kiện, kết nối các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia.
- Tham mưu tổ chức đón tiếp, làm việc với các tổ chức, nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường, cơ hội đầu tư; tham mưu tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn kết nối đầu tư; kết nối, xây dựng nội dung, chương trình làm việc cho các đoàn công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh ở ngoài nước.
c) Cung cấp thông tin, giới thiệu địa điểm, kết nối, hỗ trợ các nhà đầu tư khảo sát địa điểm đầu tư phù hợp với các quy hoạch, định hướng phát triển của tỉnh và nhu cầu của nhà đầu tư.
d) Tham gia các sự kiện kết nối hợp tác đầu tư trong nước và nước ngoài do các Bộ, ngành Trung ương tổ chức để tiếp cận các thị trường mới.
2. Về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
a) Tham mưu triển khai, theo dõi, báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trên địa bàn tỉnh Long An.
b) Tham mưu, đề xuất các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); theo dõi, đôn đốc và thực hiện các báo cáo định kỳ và đột xuất theo yêu cầu.
c) Tham mưu tổ chức triển khai đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI).
3. Về tư vấn và hỗ trợ đầu tư và phát triển doanh nghiệp
a) Là đầu mối tiếp nhận thông tin kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp; Tham mưu tổ chức các chương trình đối thoại doanh nghiệp; theo dõi cập nhật tình hình giải quyết những khó khăn vướng mắc báo cáo cấp thẩm quyền chỉ đạo giải quyết kịp thời.
b) Thực hiện tư vấn miễn phí về quy trình, thủ tục hành chính phục vụ cho hoạt động đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, tư vấn chính sách pháp luật về đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
c) Thực hiện các hoạt động dịch vụ tư vấn có thu phí cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân khi có yêu cầu thực hiện các thủ tục về đầu tư, đăng ký doanh nghiệp và các thủ tục khác theo quy định hiện hành của pháp luật.
d) Phối hợp với các phòng chuyên môn thuộc Sở và các Sở, ngành, địa phương liên quan hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư và thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh.
e) Hỗ trợ, cung cấp các thông tin cần thiết theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực đầu tư, các định hướng phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch phát triển ngành, các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, tiềm năng, cơ hội đầu tư của tỉnh, các quy định trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Nhà nước và của tỉnh cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm hiểu phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
f) Nghiên cứu, đề xuất và xây dựng kế hoạch hàng năm, trung, dài hạn, chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn; làm đầu mối tổ chức triển khai các dự án, chương trình hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, các tổ chức trong và ngoài nước cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tổ chức đào tạo theo các chương trình hỗ trợ của Bộ Tài chính về các lĩnh vực quản lý, phát triển nguồn nhân lực và công nghệ;
g) Tổ chức hoặc phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức về đầu tư, kỹ năng xúc tiến đầu tư, đào tạo khởi sự doanh nghiệp, đào tạo quản trị doanh nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực; tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu trên địa bàn tỉnh.
3. Quản lý và chịu trách nhiệm về tài chính, tài sản được giao theo quy định của pháp luật.
4. Quản lý tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc; thực hiện chế độ tiền lương và chính sách, chế độ đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật đối với viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý của Trung tâm theo quy định của pháp luật và theo phân cấp.
5. Quản lý hồ sơ, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ được giao theo quy định.
6. Có quyền đề nghị các phòng chuyên môn thuộc Sở Tài chính phối hợp cung cấp các thông tin kịp thời, đầy đủ và chính xác để xây dựng kế hoạch, báo cáo có liên quan đến nhiệm vụ được giao. Thực hiện công tác thông tin, báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong các lĩnh vực công tác được giao.
7. Thực hiện công tác cải cách hành chính có liên quan đến chức năng nhiệm vụ được giao; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
8. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Ban Giám đốc Sở Tài chính.
TỔ CHỨC VÀ BIÊN CHẾ
1. Lãnh đạo Trung tâm
a) Lãnh đạo Trung tâm gồm có 01 Giám đốc và không quá 02 Phó Giám đốc theo quy định.
b) Giám đốc Trung tâm là người đứng đầu Trung tâm, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Tài chính và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của đơn vị.
c) Phó Giám đốc Trung tâm là người giúp Giám đốc Trung tâm, phụ trách một hoặc một số lĩnh vực công tác do Giám đốc Trung tâm phân công và chịu trách nhiệm trước Giám đốc Trung tâm và trước pháp luật về nhiệm vụ công tác được giao. Khi Giám đốc Trung tâm vắng mặt, 01 Phó Giám đốc Trung tâm được ủy nhiệm điều hành các mặt hoạt động của đơn vị.
2. Các bộ phận trực thuộc: Gồm 03 bộ phận trực thuộc (không thành lập phòng)
- Bộ phận Hành chính - Tổ chức.
- Bộ phận Xúc tiến đầu tư.
- Bộ phận Tư vấn và Hỗ trợ đầu tư.
Các bộ phận trực thuộc không có trưởng, phó bộ phận.
3. Số lượng người làm việc
a) Số lượng người làm việc của Trung tâm được giao trên cơ sở vị trí việc làm, gắn với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động và nằm trong tổng số lượng người làm việc của Sở Tài chính được cấp có thẩm quyền giao hoặc phê duyệt.
b) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và danh mục vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức được cấp có thẩm quyền phê duyệt, khả năng cân đối nguồn thu, điều kiện tài chính, hàng năm Trung tâm xây dựng kế hoạch số lượng người làm việc (bao gồm số lượng người hưởng lương từ nguồn thu của đơn vị - nếu có) trình Sở Tài chính để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật. Giám đốc Trung tâm có thể ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động đối với các công việc thừa hành, phục vụ theo quy định tại Nghị định 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ.