Chính phủ ban hành Nghị định quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước.
Ngày 06/3/2024 Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2024/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước. Nghị định quy định phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, tiêu chuẩn đối với các chức danh công chức lãnh đạo, quản lý gồm tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn đối với từng chức danh công chức lãnh đạo, quản lý (thuộc Bộ, thuộc Tổng Cục, của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện), cụ thể như sau:
Chương I: Quy định chung gồm 3 điều (từ Điều 1 đến Điều 3): Quy định phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; áp dụng tiêu chuẩn chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, cơ quan thuộc Chính phủ, bộ máy hành chính giúp việc của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chương II: Gồm 4 mục 29 điều (từ Điều 4 đến Điều 32): Quy định về tiêu chuẩn đối với các chức danh công chức lãnh đạo, quản lý.
Mục 1 gồm 6 điều (từ Điều 4 đến Điều 9): Quy định về tiêu chuẩn chung áp dụng đối với các chức danh công chức lãnh đạo, quản lý gồm: tiêu chuẩn về chính trị tư tưởng; về đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, ngoại ngữ; về năng lực và uy tín; về sức khỏe, độ tuổi, kinh nghiệm công tác; quy định một số trường hợp đặc thù áp dụng tiêu chuẩn chức danh khi bổ nhiệm.
Mục 2 gồm 7 điều (từ Điều 10 đến Điều 16): Quy định về tiêu chuẩn đối với từng chức danh công chức lãnh đạo, quản lý thuộc Bộ gồm chức danh Thứ trưởng; Vụ trưởng và tương đương thuộc Bộ; Phó Vụ trưởng và tương đương thuộc Bộ; Trưởng phòng và tương đương thuộc Bộ; Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Bộ; Trưởng phòng và tương đương thuộc Chi cục thuộc Cục thuộc Bộ; Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Chi cục thuộc Cục thuộc Bộ.
Mục 3 gồm 8 điều (từ Điều 17 đến Điều 24): Quy định về tiêu chuẩn đối với từng chức danh công chức lãnh đạo, quản lý thuộc Tổng cục gồm chức danh Tổng cục trưởng và tương đương; Phó Tổng cục trưởng và tương đương; Vụ trưởng và tương đương thuộc Tổng cục; Phó Vụ trưởng và tương đương thuộc Tổng cục; Trưởng phòng và tương đương thuộc Tổng cục; Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Tổng cục; Trưởng phòng và tương đương thuộc Chi cục thuộc Cục thuộc Tổng cục; Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Chi cục thuộc Cục thuộc Tổng cục.
Mục 4 gồm 8 điều (từ Điều 25 đến Điều 32): Quy định về tiêu chuẩn đối với từng chức danh công chức lãnh đạo, quản lý của cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện gồm: chức danh Giám đốc Sở và tương đương; Phó Giám đốc Sở và tương đương; Trưởng phòng và tương đương thuộc Sở; Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Sở; Trưởng phòng và tương đương thuộc Chi cục thuộc Sở; Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Chi cục thuộc Sở; Trưởng phòng và tương đương thuộc huyện; Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc huyện.
Chương III: Gồm 3 điều (từ Điều 33 đến Điều 35): Quy định về điều khoản thi hành gồm:
Điều 33: Quy định về Tổ chức thực hiện. Trong đó:
- Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ Nghị định này có trách nhiệm:
+ Quy định hoặc phân cấp quy định cụ thể tiêu chuẩn của từng chức vụ, chức danh công chức lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền quản lý bảo đảm phù hợp với cấp, bậc của từng chức vụ, chức danh theo quy định và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, đặc điểm của bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị nhưng không được thấp hơn quy định tại Nghị định này. Trường hợp không yêu cầu tiêu chuẩn cao hơn thì không phải ban hành quy định và áp dụng trực tiếp quy định tại Nghị định này;
+ Quy định hoặc phân cấp quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện về thành tích, kết quả và sản phẩm cụ thể phù hợp với tiêu chuẩn chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, bảo đảm đủ cơ sở lựa chọn đúng người có năng lực để bổ nhiệm, trừ chức vụ, chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý;
+ Căn cứ quy định của Đảng, quy định của pháp luật chuyên ngành và Nghị định này, quy định hoặc phân cấp quy định cụ thể tiêu chuẩn chức danh viên chức quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm phù hợp với đặc thù của từng vị trí việc làm, tính chất nghề nghiệp và yêu cầu nhiệm vụ của viên chức quản lý.
- Cấp có thẩm quyền quản lý công chức trong cơ quan hành chính của Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội quyết định việc áp dụng tiêu chuẩn chức vụ, chức danh quy định tại Nghị định đối với các chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý tương ứng thuộc phạm vi quản lý.
Điều 34: Điều khoản chuyển tiếp
Điều 35: Điều khoản thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 5 năm 2024.
Một số nội dung về tiêu chuẩn đối với từng chức danh công chức lãnh đạo, quản lý của cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Giám đốc Sở và tương đương; Phó Giám đốc Sở và tương đương; Trưởng phòng và tương đương thuộc Sở; Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Sở). Cụ thể như sau:
- Đối với chức danh Giám đốc Sở và tương đương
+ Giám đốc Sở và tương đương là người đứng đầu cấp sở, lãnh đạo, quản lý và tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và thực hiện các nhiệm vụ khác được cấp có thẩm quyền giao; chịu trách nhiệm trực tiếp trước Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời chịu trách nhiệm về quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực trước Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và trước pháp luật về chức trách, nhiệm vụ được giao.
+ Đáp ứng các tiêu chuẩn chung tương ứng quy định tại Mục 1 Chương II Nghị định này và các quy định sau:
i) Am hiểu sâu sắc về quản lý nhà nước, hiểu biết pháp luật về ngành, lĩnh vực quản lý và các quy định đặc thù áp dụng tại địa phương;
ii) Có năng lực: Tham mưu, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả văn bản quy phạm pháp luật của trung ương; tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về ngành, lĩnh vực áp dụng tại địa phương; chỉ đạo xây dựng kế hoạch công tác nhiệm kỳ và hằng năm của ngành, lĩnh vực tại địa phương; chỉ đạo hoặc trực tiếp giải quyết những vấn đề khó, phức tạp thuộc ngành, lĩnh vực tại địa phương; triển khai thực hiện cải cách hành chính, chế độ công vụ, công chức trên địa bàn; chỉ đạo thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật; chỉ đạo giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân thuộc thẩm quyền; tham mưu lãnh đạo thực hiện công tác phối hợp với các cơ quan ở trung ương; chỉ đạo thực hiện đồng bộ, thống nhất, hiệu quả chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật trong phạm vi toàn tỉnh;
iii) Đang giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở và tương đương hoặc chức vụ, chức danh tương đương theo quy định của cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ.
- Đối với chức danh Phó Giám đốc Sở và tương đương
+ Phó Giám đốc Sở và tương đương là cấp phó của Giám đốc Sở, giúp Giám đốc Sở quản lý, tổ chức thực hiện một hoặc một số lĩnh vực công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ của sở, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở và trước pháp luật về chức trách, nhiệm vụ được giao.
+ Đáp ứng các tiêu chuẩn chung tương ứng quy định tại Mục 1 Chương II Nghị định này và các quy định sau:
i) Am hiểu sâu sắc về quản lý nhà nước, hiểu biết pháp luật về ngành, lĩnh vực quản lý và các quy định đặc thù áp dụng tại địa phương;
ii) Có năng lực: Tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả văn bản quy phạm pháp luật của trung ương; tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về ngành, lĩnh vực áp dụng tại địa phương; chỉ đạo xây dựng kế hoạch công tác nhiệm kỳ và hằng năm của ngành, lĩnh vực tại địa phương; chỉ đạo hoặc trực tiếp giải quyết những vấn đề khó, phức tạp thuộc ngành, lĩnh vực tại địa phương; chỉ đạo thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật; chỉ đạo giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân thuộc thẩm quyền; tham mưu lãnh đạo thực hiện công tác phối hợp với các cơ quan ở trung ương; chỉ đạo thực hiện đồng bộ, thống nhất, hiệu quả chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật trong phạm vi toàn tỉnh;
iii) Đang giữ chức vụ Trưởng phòng và tương đương thuộc Sở hoặc chức vụ, chức danh tương đương theo quy định của cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ. Trường hợp không giữ chức vụ thì phải có thời gian công tác liên tục trong ngành, lĩnh vực từ đủ 07 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc).
- Đối với chức danh Trưởng phòng và tương đương thuộc Sở
+ Trưởng phòng và tương đương thuộc Sở là người đứng đầu Phòng, thực hiện nhiệm vụ tham mưu tổng hợp, tham mưu quản lý nhà nước về ngành, chuyên ngành hoặc nhiệm vụ bảo đảm phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của sở theo phân công của Giám đốc Sở. Trưởng phòng chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở và trước pháp luật về chức trách, nhiệm vụ được giao.
+ Đáp ứng các tiêu chuẩn chung tương ứng quy định tại Mục 1 Chương II Nghị định này và các quy định sau:
i) Hiểu biết pháp luật về ngành, lĩnh vực quản lý;
ii) Nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ; tổ chức thực hiện chính sách và pháp luật của Nhà nước về ngành, lĩnh vực hoặc nhiệm vụ được giao; tham mưu thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật; tổng hợp, đề xuất giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân thuộc thẩm quyền;
iii) Đang giữ chức vụ Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Sở hoặc chức vụ, chức danh tương đương theo quy định của cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ. Trường hợp không giữ chức vụ thì phải có thời gian công tác liên tục trong ngành, lĩnh vực từ đủ 05 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc).
- Đối với chức danh Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Sở
+ Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Sở là cấp phó của Trưởng phòng, giúp Trưởng phòng thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể do Trưởng phòng giao. Phó Trưởng phòng chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng và trước pháp luật về chức trách, nhiệm vụ được giao.
+ Đáp ứng các tiêu chuẩn chung tương ứng quy định tại Mục 1 Chương II Nghị định này và các quy định sau:
i) Hiểu biết pháp luật về ngành, lĩnh vực quản lý;
ii) Nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ; triển khai thực hiện chính sách và pháp luật của Nhà nước về ngành, lĩnh vực hoặc nhiệm vụ được giao; tham mưu thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật; tổng hợp, đề xuất giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân thuộc thẩm quyền;
iii) Đang giữ chức vụ Trưởng phòng và tương đương thuộc Chi cục thuộc Sở hoặc hoặc chức vụ, chức danh tương đương theo quy định của cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ. Trường hợp không giữ chức vụ thì phải có thời gian công tác liên tục trong ngành, lĩnh vực từ đủ 03 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc).
ND29.pdf
Thu Hiền