Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ngày 16/5/2024 Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, Nghị định quy định một số nội dung: tổ chức thực hiện hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam; biện pháp cần thiết để ngừng cung cấp sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật; trách nhiệm công khai, thông báo công khai việc thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật; cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm kiểm tra, theo dõi việc thực hiện thu hồi sản phẩm, hàng hoá có khuyết tật. Cụ thể:
- Về tổ chức thực hiện hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam: Điều 3 Nghị định quy định các hoạt động hướng ứng và mục tiêu của việc tổ chức các hoạt động hướng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam như sau:
+ Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam được tổ chức hằng năm nhằm:
a) Khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội và đất nước;
b) Tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và các chính sách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
c) Tạo cơ sở để huy động, tập trung nguồn lực, sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
d) Góp phần xây dựng một môi trường tiêu dùng lành mạnh cho cả người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh; giữ ổn định và tạo động lực phát triển, đổi mới, sáng tạo cho nền kinh tế đất nước;
đ) Nâng cao trách nhiệm, khuyến khích sự hợp tác và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
+ Các hoạt động hưởng ứng gồm:
a) Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, tập huấn về pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và kỹ năng tiêu dùng để huy động, tập trung sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
b) Các hoạt động công cộng thu hút sự tham gia của số lượng lớn người tiêu dùng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;
c) Các hoạt động nằm trong khuôn khổ kế hoạch, dự án, đề án, chương trình, hoạt động cấp quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do Thủ tướng Chính phủ ban hành;
d) Các hoạt động khác hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.
- Về biện pháp cần thiết để ngừng cung cấp sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật: Điều 17 Nghị định quy định trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm phát hiện ra sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật hoặc nhận được yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thực hiện ngay các biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật trên thị trường, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh phải chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng và pháp luật về việc chậm trễ thực hiện việc ngừng cung cấp sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật trên thị trường.
- Nghị định cũng quy định trách nhiệm công khai, thông báo công khai việc thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật (Điều 18) và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong kiểm tra, theo dõi việc thực hiện thu hồi sản phẩm, hàng hoá có khuyết tật (Điều 21).
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.
ND55.pdf
Thu Hiền