Báo cáo tổng hợp tình hình giá thị trường trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025
Căn cứ Chỉ thị số 05/CT-BTC ngày 23/12/2024 của Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025;
Căn cứ Chỉ thị số 3958/CT-UBND ngày 31/12/2024 của UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm;
Căn cứ Chỉ thị số 145/CT-UBND ngày 14/01/2025 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Sở Tài chính báo cáo Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) nội dung như sau:
I. Công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá thị trường trong thời điểm trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025
1. Về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng
Để tiếp tục tập trung hơn nữa việc triển khai thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3292/KH-UBND ngày 08/11/2024 về Cao điểm phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tháng cuối năm và trước, trong, sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 và Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 07/01/2025 về việc đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả năm 2025. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo nhiệm vụ cụ thể cho các Sở ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Kiến Tường và thành phố Tân An để làm cơ sở cho các đơn vị triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tháng cuối năm và trước, trong, sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, góp phần đảm bảo cho người dân vui xuân, đón Tết an toàn, tiết kiệm.
2. Về công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường
Nhằm tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 theo chỉ đạo của Bộ Tài chính tại Chỉ thị số 05/CT-BTC ngày 23/12/2024, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 3958/CT-UBND ngày 31/12/2024 về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm và Chỉ thị số 145/CT-UBND ngày 14/01/2025 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025; yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Kiến Tường và thành phố Tân An; các đơn vị chức năng và các cá nhân, tổ chức có liên quan trên địa bàn tỉnh Long An triển khai thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
Bên cạnh đó, các sở quản lý ngành, lĩnh vực thường xuyên theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá thị trường trước Tết, đặc biệt đối với những hàng hóa, dịch vụ đáp ứng trực tiếp nhu cầu tiêu dùng Tết của người dân trên địa bàn để kịp thời tham mưu biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật.
Ngày 15/01/2025, Sở Tài chính có Văn bản số 306/STC-TCDN&G yêu cầu Cục Thống kê tỉnh, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, Sở Y tế, Sở Giao thông Vận tải, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị xã Kiến Tường và thành phố Tân An thực hiện gửi báo cáo tình hình giá thị trường và công tác quản lý, bình ổn thị trường, giá cả trước, trong và sau Tết Nguyên đán và gửi về Sở Tài chính để đảm bảo công tác báo cáo giá thị trường không bị gián đoạn trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán theo quy định. Thực hiện việc gửi văn bản báo cáo giá thị trường định kỳ tháng, quý, năm về Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) theo quy định.
Đồng thời, Sở Giao thông vận tải cũng có văn bản[1] gửi các đơn vị vận tải hành khách và các bến xe khách, yêu cầu các đơn vị thực hiện các nội dung liên quan đến việc đảm bảo thực hiện kê khai, niêm yết giá cước và thu giá cước đúng quy định; Sở Giáo dục và Đào tạo có văn bản[2] báo cáo giá dịch vụ giáo dục trước Tết thực hiện theo Quyết định số 29/2024/QĐ-UBND ngày 30/7/2024 của UBND tỉnh Long An về việc triển khai Nghị quyết số 13/2024/NQ-HĐND ngày 02/7/2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định mức thu học phí năm học 2024-2025 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập và các cơ sở giáo dục thường xuyên tự đảm bảo chi thường xuyên trên địa bàn tỉnh Long An.
II. Tình hình giá thị trường trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025
1. Nguồn hàng hóa, kênh phân phối
Sở Công Thương đã có văn bản[3] ngày 18/11/2024 về việc lập phương án tạm trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, triển khai cho các doanh nghiệp kinh doanh thương mại chủ lực trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện tạm trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của người dân. Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đều chủ động có kế hoạch sản xuất cũng như dự trữ nguồn hàng phong phú, sẵn sàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán, cụ thể:
a) Nguồn hàng hóa
Năm nay, nguồn hàng hóa trên thị trường dồi dào, mẫu mã và chủng loại hàng hóa đa dạng, đảm bảo cung ứng cho thị trường Tết; hàng Việt Nam chiếm ưu thế trên 90%; hàng hóa địa phương Long An (hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu, hàng OCOP, đặc sản địa phương…) nâng cao chất lượng, mẫu mã đáp ứng nhu cầu người dùng, tiêu thụ khá tốt.
- Hàng bách hóa: Các doanh nghiệp thương mại dự trữ khoảng 1.442 tỷ đồng (chưa bao gồm các chợ truyền thống), tăng khoảng 3% so với Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, chợ đêm Tân An được tăng thời gian hoạt động kinh doanh cả ban ngày từ ngày 14/01/2025 đến ngày 28/02/2025 (nhằm ngày 24 tháng Chạp đến 29 tháng Chạp), góp phần tăng lượng hàng hóa, giúp người dân có nhiều lựa chọn khi mua sắm Tết.
- Đối với lương thực: Công ty Lương thực Long An luôn duy trì lượng hàng hóa tồn kho gạo thường, gạo thơm khoảng 29.231 tấn (qui gạo) có giá trị khoảng 409 tỷ đồng (tăng khoảng 88,4% giá trị so với tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024), trong đó luôn dự trữ từ khoảng 100-150 tấn gạo các loại tại cửa hàng bán lẻ của công ty để phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Ngoài ra, trong tình huống thị trường có biến động Sở Công Thương sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo 21 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo còn lại theo Nghị định 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ, để cung cấp gạo tham gia thị trường bán lẻ (các doanh nghiệp tồn kho khoảng 239.800 tấn gạo và 33.000 tấn nếp). Giá gạo tương đối ổn định.
- Mặt hàng thịt: nguồn cung cấp thịt trong tỉnh từ 3.500 tấn - 3.800 tấn. Trong đó, sản lượng thịt heo chiếm 80%; thịt gia cầm chiếm 12,6%, sản lượng thịt bò chiếm 7,5%. Sản lượng trứng tại trang trại trung bình 2,1 triệu quả/tháng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của tỉnh và có khả năng cung cấp cho thị trường ngoài tỉnh là khoảng 60% sản lượng. Dự báo tình hình tiêu thụ sản phẩm thịt heo trong các ngày giáp Tết dịp cuối năm và cận Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025, giá cả sẽ tăng nhẹ so với năm 2024, nhu cầu tiêu dùng thịt của người dân sẽ tăng cao khoảng gấp 1,5 - 2 lần so với ngày thường do nhu cầu tích trữ cho những ngày sau Tết. Nhưng với tổng đàn gia súc, gia cầm không biến động nhiều như hiện nay, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.
- Xăng dầu, chai LPG: Trên địa bàn tỉnh có 474 cửa hàng xăng dầu với mức dự trữ thường xuyên khoảng 30.000 m3, được bố trí đều khắp 15 huyện, thị xã và thành phố. Trong đó, Công ty Xăng dầu Long An thường xuyên duy trì khoảng 14.100 m3 (xăng 7.000 m3, dầu diesel 7.000 m3, dầu hỏa 100 m3) tổng giá trị khoảng 277 tỷ đồng với 67 cửa hàng trực thuộc và các đại lý trải đều trên địa bàn toàn tỉnh, đảm bảo phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 03: kho Long Hưng Việt Nam sức chứa 11.550 m3, kho Bến Lức sức chứa 3.500 m3 và kho xăng dầu Tân Tập sức chứa 2.000 m3, 19 thương nhân kinh doanh mua bán LPG đảm bảo phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết.
- Hoa, cây kiểng: các hộ kinh doanh hoa, cây kiểng đã tập trung về các chợ hoa nhiều, giá có xu hướng không tăng nhiều so với thời điểm cùng kỳ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
- Điện, nước: cung cấp đầy đủ, kịp thời, không bị gián đoạn.
b) Kênh phân phối
Toàn tỉnh có 125 chợ truyền thống, 07 siêu thị, 01 Trung tâm thương mại Vincom Plaza, 282 cửa hàng tiện ích và trên 30.000 cơ sở kinh doanh thương mại phân bố rộng khắp: hoạt động ổn định phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân những tháng cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
2. Tình hình thị trường, giá cả từ ngày 08/01/2025 đến ngày 18/01/2025 (nhằm ngày 09 đến ngày 19 tháng Chạp năm Quý Mão)
Hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh nhộn nhịp hơn khi lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết đã được các đơn vị sản xuất, kinh doanh chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng cung ứng đầy đủ, đa dạng cho nhu cầu của người tiêu dùng.
Thời điểm này, sức mua tại các kênh phân phối chưa tăng, so với Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, tại các chợ truyền thống giảm từ 8% - 10%; tại siêu thị Co.op Mart Tân An, siêu thị Co.op Mart Cần Giuộc, siêu thị Co.op Mart Bến Lức sức mua tăng khoảng 30% so với ngày thường, nhưng không tăng so với cùng kỳ năm 2024 (theo nhóm hàng); riêng tại siêu thị Winmart Long An sức mua tăng gấp đôi so với ngày thường và tăng 10 - 20% so với cùng kỳ năm 2024; tại hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh sức mua không tăng với cùng kỳ năm 2024. Hàng hóa thiết yếu trên thị trường tỉnh rất đa dạng và phong phú, giá cả hàng hóa tương đối ổn định, không có biến động lớn về giá. Sức mua chủ yếu tập trung các nhóm hàng gia dùng, vệ sinh nhà cửa, bánh kẹo, quà Tết. Hàng hóa thiết yếu trên thị trường tỉnh rất đa dạng và phong phú, giá cả hàng hóa tương đối ổn định, không có biến động lớn về giá.
Dự báo nhu cầu mua sắm Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 sẽ có xu hướng tăng từ ngày 20/01/2025 - 25/01/2025 và tăng mạnh vào 03 ngày giáp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 (Nhằm ngày 27, 28, 29 tháng Chạp năm Giáp Thìn 2024) người dân tập trung mua sắm hàng hóa, nhất là các mặt rau, củ, quả, thủy sản và thịt các loại và mua hàng hóa dự trữ các ngày Tết. Tuy nhiên, sức mua sẽ có xu hướng giảm so với cùng kỳ Tết năm 2024 do người dân chi tiêu tiết kiệm.
Trên đây là Báo cáo của Sở Tài chính tỉnh Long An kính gửi Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính./.
[1] Văn bản số 255/SGTVT-QLVTPTNL ngày 17/01/2025 của Sở Giao thông vận tải về việc báo cáo tình hình giá thị trường lĩnh vực vận tải.
[2] Văn bản số 291/SGDĐT-HCQT ngày 20/01/2025 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc báo cáo tình hình giá thị trường, tình hình điều hành và bình ổn giá thị trường dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
[3] Công văn số 3783/SCT-QLTM ngày 18/11/2024 của Sở Công Thương về việc lập phương án tạm trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường cuối năm 2024 và tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.