Điều chỉnh thuế GTGT với phân bón tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước
Tiếp tục phiên chất vấn tại Quốc hội, chiều 9/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trả lời đại biểu Cao Văn Trọng (Bến Tre) về việc Chính phủ đề nghị điều chỉnh thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) mặt hàng phân bón từ 0% lên 5% để giúp cho các nhà máy sản xuất phân bón khôi phục sản xuất, giảm lỗ vì được khấu trừ chi phí đầu vào trong thời điểm hiện nay, khi người nông dân đang gặp khó khăn về hạn hán và bão lũ liệu có phù hợp hay không.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn tại phiên họp Quốc hội ngày 09/11
Áp thuế GTGT tạo điều kiện giảm giá phân bón trong nước
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết:
trước ngày 1/1/2015, theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn (NN&PTNN), để tháo gỡ khó khăn cho người nông dân Bộ Tài chính
đã trình với Chính phủ, Quốc hội điều chỉnh phân bón từ đối tượng chịu
thuế suất GTGT là 5% về đối tượng không chịu thuế suất GTGT và các hàng
hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư sản
xuất phân bón thì được khấu trừ hoặc hoàn thuế GTGT đầu vào.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không nhất trí cho phép khấu trừ hoàn thuế GTGT
đầu vào với lý do là không phù hợp với nguyên tắc của thuế GTGT. Do
vậy, Quốc hội đã thông qua Luật số 71 năm 2014 sửa đổi, bổ sung một số
điều của các luật thuế có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, quy định phân bón
thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Tuy vậy, quy định này lại gây bất
lợi cho sản xuất phân bón trong nước do hoàn thuế GTGT của hàng hóa,
dịch vụ mua vào không được khấu trừ và phải tính vào chi phí sản xuất,
giá thành sản xuất của phân bón. Trong khi đó, phân bón nhập khẩu không
chịu thuế GTGT.
Chính vì vậy, theo đề nghị của Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNN,
Hiệp hội sản xuất phân bón đã kiến nghị nhiều lần kể từ khi Luật số 71
có hiệu lực, là đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT. Hiện nay, nếu
chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng áp
dụng thuế suất thuế GTGT là 5%, với số thuế GTGT đầu vào hằng năm của
phân bón khoảng 1.200 tỷ đồng một năm thì doanh nghiệp sẽ được khấu trừ
và không phải tính vào chi phí sản xuất, cũng như giá thành sản phẩm của
phân bón.
“Chính
phủ sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước giảm giá
bán tương ứng với giá thành để người nông dân không bị ảnh hưởng bởi
điều chỉnh mức thuế GTGT này. Do đó, phân bón sản xuất trong nước có
thêm điều kiện để cạnh tranh với phân bón nhập khẩu và phân bón nhập
khẩu cũng phải chịu thuế GTGT là 5%. Từ đó, phân bón sản xuất trong nước
có thêm cơ hội để hạ giá bán so với phân bón nhập khẩu theo cơ chế thị
trường”, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định.
Cung cấp thêm thông tin tới đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, theo Hiệp
hội phân bón, hiện nay phân bón sản xuất trong nước đang chiếm thị phần
khoảng 70%, còn lại 30% là nhập khẩu. Hiệp hội cũng ước tính, sản xuất
phân super lân năm 2019 cũng như ước đạt năm 2020 mới đạt 34% công suất.
Phân lân nung chảy mới đạt 37%, phân đạm urê mới đạt 83% của năng lực
nhà máy sản xuất trong nước. Tương tự ở sản xuất phân DAP là 69% và phân
NPK là 60%. Như vậy, việc điều chỉnh thuế suất thuế GTGT đối với phân
bón sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước có dư
địa để tăng công suất, tăng sản lượng và thị phần để cạnh tranh với
phân nhập khẩu,
Ngoài
ra, cùng với việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để sản xuất trong
nước bằng chính sách thuế, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân
bón trong nước cũng cần phải tăng cường quản trị, rà soát, tiết giảm tối
đa chi phí. Từ đó, giảm giá thành và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh
doanh, cũng như cạnh tranh bình đẳng với hàng hóa nhập khẩu.
Chính vì vậy,
Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về
chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang áp dụng thuế
suất thuế GTGT là 5% và đã nhận được ý kiến nhất trí của Bộ Công thương,
Bộ NN&PTNN, Hiệp hội sản xuất phân bón cũng như Hội nông dân Việt
Nam, là những cơ quan, tổ chức trực tiếp liên quan đến ngành sản xuất
phân bón nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội ngày 09/11
Cổ phần hoá, thoái vốn công khai, minh bạch, chặt chẽ hơn
Cũng
tại phiên chất vấn, đại biểu Phan Thị Bình Thuận (TP.HCM) cũng nêu câu
hỏi về nguyên nhân và giải pháp về cổ phần hóa và thoái vốn chậm.
Trả
lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết thời
gian vừa qua và đặc biệt là gần đây có nhiều nguyên nhân như là căng
thẳng trong quan hệ quốc tế, diễn biến khó lường của COVID-19 đã ảnh
hưởng rất lớn, nghiêm trọng đến thị trường tài chính, chứng khoán trong
nước và trên thế giới, khiến cho các doanh nghiệp cổ phần hóa phải cân
nhắc thời điểm phê duyệt phương án và thời điểm đưa ra để bán cổ phần.
Bên
cạnh đó, cơ chế, chính sách về cổ phần hóa, thoái vốn, thời gian vừa
qua cũng đã được sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh theo hướng chặt chẽ hơn,
tăng cường công khai, minh bạch hơn trong quá trình cổ phần hóa và tính
đúng, tính đủ giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, hoàn thành việc xác
lập hồ sơ quản lý về đất đai, tài sản trước khi cổ phần hóa. Do đó việc
rà soát, phê duyệt phương án cổ phần hóa doanh nghiệp phải thực hiện
nhiều quy trình, thủ tục và nhiều thời gian. Đặc biệt, vấn đề về đất
đai, lịch sử pháp lý rất phức tạp. Các doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái
vốn, cơ cấu lại trong giai đoạn này hầu hết các doanh nghiệp lớn có tình
hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai hoặc các doanh nghiệp
đang hoạt động trong lĩnh vực công ích gắn liền với hoạt động của các
địa phương, đóng góp vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện
chiến lược, mục tiêu về an sinh xã hội của địa phương nên việc cổ phần
hóa, thoái vốn phải tiến hành thận trọng, đảm bảo tính đúng, tính đủ giá
trị doanh nghiệp và không làm thất thoát vốn của nhà nước khi cổ phần
hóa.
Về nguyên
nhân chủ quan, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ cần phải nghiêm túc xem
xét, điều chỉnh để nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ trong thời
gian tới. Thực tế, một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng
công ty nhà nước thời gian qua chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế
hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ
tướng.
Công
tác lập kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn để trình cơ quan có thẩm quyền
ban hành danh mục cổ phần hóa, thoái vốn còn chưa sát với thực tế.
Vai
trò, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao,
chưa quyết liệt trong đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, Tính công
khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị
trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn. Đa số các tập
đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp không chủ động triển khai các chính
sách của nhà nước, đến khi phải thực hiện cổ phần hóa mới bắt đầu thực
hiện sắp xếp lại xử lý nhà đất, do đó ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ cổ
phần hóa.
Việc
phối hợp giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu với các UBND các tỉnh, thành
phố, bộ, ngành liên quan trong việc thực hiện, phê duyệt phương án sắp
xếp lại xử lý nhà đất theo Nghị định 167 của Chính phủ làm còn chưa tốt,
tiến độ còn rất chậm, đặc biệt là các cơ sở nhà đất tại thành phố lớn
như Hà Nội và TP.HCM
Trong
khi đó, một số doanh nghiệp không muốn thoái vốn ở những ngành, lĩnh
vực phát triển mạnh, có tỷ suất lợi nhuận cao làm cho tiến độ thoái vốn
chậm, tuy là đã được quy định rõ trong tiêu chí phân loại doanh nghiệp
của Thủ tướng. Ngoài ra, cũng có lý do liên quan một số cơ quan, đơn vị
đang thoái vốn đang bị cơ quan pháp luật thực hiện thanh tra, kiểm tra,
do đó công tác cổ phần hoá, thoái vốn chậm lại.
Để khắc phục những vấn đề này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng báo cáo nhấn mạnh một số giải pháp chính quan trọng.
Đó là, tiếp
tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về
sắp xếp, đổi mới phát triển, nâng cao DNNN theo chủ trương của Đảng, của
Quốc hội và Chính phủ. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý
về tổ chức, quản lý và hoạt động của DNNN về sắp xếp việc cổ phần hóa,
thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo hướng đảm bảo công khai, minh bạch theo
cơ chế thị trường.
Xây
dựng tiêu chí phân loại doanh nghiệp cho giai đoạn 2021-2025 và Đề án
cơ cấu lại DNNN của giai đoạn 2021-2025, trọng tâm là tập đoàn, tổng
công ty nhà nước, làm cơ sở tiếp tục triển khai cơ cấu lại, nâng cao
hiệu quả hoạt động của DNNN.
Các
cơ quan quản lý nhà nước căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, kịp thời
nghiên cứu, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách
trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ
phần hóa. Tăng cường công tác chấp hành kỷ luật, kỷ cương và xử lý
nghiêm những người sai phạm, chậm tiến độ.
QH-www.mof.gov.vn