image banner
Tình hình giá thị trường trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn tỉnh Long An
Ngày 25/01/2024 UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 264/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Đồng thời, Sở Tài chính có Văn bản số 666/STC-TCDN&G ngày 02/02/2024 về việc báo cáo tổng hợp tình hình giá thị trường trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-BTC ngày 09/01/2024 của Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024;

UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 47/CT-UBND ngày 04/01/2024 của UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Chỉ thị số 264/CT-UBND ngày 25/01/2024 về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024;

Qua tổng hợp báo cáo của các cơ quan có liên quan (Sở Công Thương, Sở  Y tế,  Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,Sở Giao thông vận tải và UBND các huyện, thị xã Kiến Tường và thành phố Tân An), Sở Tài chính có Văn bản số 666/STC-TCDN&G  báo cáo Bộ Tài Chính về tình hình giá thị trường trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Theo đó:   

I. Công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá thị trường trong thời điểm trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024:

1. Về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng:

Để tiếp tục tập trung hơn nữa việc triển khai thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3357/KH-UBND ngày 21/11/2023 về việc Cao điểm phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tháng cuối năm và trước, trong, sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo nhiệm vụ cụ thể cho các Sở ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Kiến Tường và thành phố Tân An để làm cơ sở cho các đơn vị triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tháng cuối năm và trước, trong, sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, góp phần đảm bảo cho người dân vui xuân, đón Tết an toàn, tiết kiệm.

2. Về công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường:

Nhằm tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 theo chỉ đạo của Bộ Tài chính tại Chỉ thị số 01/CT-BTC ngày 09/01/2023, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 47/CT-UBND ngày 04/01/2024 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm và Chỉ thị số 264/CT-UBND ngày 25/01/2024 về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024; yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Kiến Tường và thành phố Tân An; các đơn vị chức năng và các cá nhân, tổ chức có liên quan trên địa bàn tỉnh Long An triển khai thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

Bên cạnh đó, Sở Tài chính thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc tiếp nhận, rà soát văn bản kê khai giá của các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuộc thẩm quyền quản lý theo Quyết định số 3020/QĐ-UBND ngày 12/4/2021 và Quyết định số 13458/QĐ-UBND ngày 30/12/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành danh sách các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện đăng ký giá, kê khai giá trên địa bàn tỉnh Long An; tổng hợp, chủ trì tham mưu và trình UBND tỉnh thông báo điều chỉnh danh sách các tổ chức, cá nhân kinh doanh đăng ký giá, kê khai giá theo quy định theo đề nghị của các sở quản lý chuyên ngành và các cơ quan, đơn vị có liên quan. 

Theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá thị trường trước Tết, đặc biệt đối với những hàng hóa, dịch vụ đáp ứng trực tiếp nhu cầu tiêu dùng Tết của người dân trên địa bàn để kịp thời tham mưu biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật.

Sở Tài chính có Văn bản số 543/STC-QLGCS ngày 25/01/2024 yêu cầu Sở Công Thương, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giao thông Vận tải, UBND các huyện, thị xã Kiến Tường và thành phố Tân An chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện gửi báo cáo nhanh tình hình giá thị trường trước, trong và sau Tết và gửi về Sở Tài chính để đảm bảo công tác báo cáo giá cả thị trường không bị gián đoạn trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán theo quy định.

Thực hiện việc gửi văn bản báo cáo giá thị trường định kỳ tháng, quí, năm về Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) theo quy định.

II. Tình hình giá thị trường trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024:

Nguồn hàng hóa dự trữ

Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đều chủ động có kế hoạch sản xuất cũng như dự trữ nguồn hàng phong phú, sẵn sàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Lượng hàng mà các doanh nghiệp dự trữ tăng từ 60% - 150% so với ngày thường. Trong đó, các mặt hàng có nguồn gốc sản xuất ở trong nước với chất lượng cao chiếm ưu thế, tập trung vào những mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, thực phẩm, bánh, kẹo, quần áo, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng, …

- Hàng bách hóa, tổng hợp:

+ Các doanh nghiệp thương mại, cơ sở kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh đã tạm dự trữ lượng hàng hóa ước đạt khoảng 1.400 tỷ đồng (chưa bao gồm các tiểu thương ở chợ truyền thống), tăng khoảng 15% so với Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Trong đó, 08 doanh nghiệp thương mại chủ lực với hơn 3.100 đại lý phân bố khắp địa bàn các huyện, thị xã, thành phố đã dự trữ nguồn hàng hóa như: đường, bột ngọt, dầu ăn, mì gói, rượu bia, nước giải khát, hàng thực phẩm tươi sống, rau, củ quả các loại, trái cây, thịt, cá, trứng, sữa, lạp xưởng, giò chả, bánh mứt,…. tổng giá trị hàng hóa đạt khoảng 1.223 tỷ đồng (tăng khoảng 613 tỷ đồng so với lượng hàng hóa tạm trữ phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023), cụ thể: Công ty Cổ phần thương mại và xuất nhập khẩu Long An (148,8 tỷ đồng), Công ty CP Thương mại Mộc Hóa (22,5 tỷ đồng), siêu thị Co.op Mart Tân An (13,1 tỷ đồng), siêu thị Co.op Mart Cần Giuộc (3,8 tỷ đồng), siêu thị Co.op Mart Bến Lức (04 tỷ đồng), Hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh (91 cửa hàng tạm trữ khoảng 65 tỷ đồng), siêu thị Vin Mart Long An (3,6 tỷ đồng), Hệ thống cửa hàng San Hà (19 cửa hàng tạm trữ khoảng 27,6 tỷ đồng) v.v... Ngoài ra, Công ty Cổ phần thực phẩm An Long, Công ty TNHH Ba Huân, Công ty CP Xây lắp cơ khí và lương thực thực phẩm và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại xây dựng phương án tạm trữ hàng hóa thiết yếu, mặt hàng đa dạng về mẫu mã, số lượng đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân; giá các mặt hàng bánh, mứt, kẹo tại các chợ truyền thống có xu hướng tăng từ 05% - 10% so với cùng kỳ năm 2023, theo thông tin từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh bách hóa, giá hàng hóa tăng do lương công nhân tăng, chi phí nguyên vật liệu sản xuất đầu vào tăng.

+ Mặt khác, các doanh nghiệp kinh thương mại tăng cường tổ chức mở rộng mạng lưới bán lẻ, phân phối đến các khu vực nông thôn, khu - cụm công nghiệp, với hình thức bán hàng trực tuyến để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân ở vùng sâu, vùng xa và nhu cầu mua sắm của công nhân góp phần tăng khả năng tiếp cận hàng hóa cho người có thu nhập trung bình và thấp.

+ Bên cạnh đó, 125 chợ truyền thống, 07 siêu thị, 01 Trung tâm thương mại Vincom Plaza, 282 cửa hàng tiện ích và trên 30.000 cơ sở kinh doanh thương mại hoạt động ổn định phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân những tháng cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Năm nay nguồn hàng hóa trên thị trường dồi dào, mẫu mã và chủng loại hàng hóa đa dạng, đủ khả năng cung ứng cho thị trường Tết; dự báo sẽ đủ nguồn thực phẩm, hàng công nghệ phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân trong tỉnh đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

- Đối với lương thực: Công ty Lương thực Long An luôn duy trì lượng hàng hóa tồn kho gạo thường, gạo thơm khoảng 14.454 tấn (qui gạo) có giá trị khoảng 217 tỷ đồng (tăng khoảng 15% giá trị so với Tết Nguyên đán Quý mão năm 2023), trong đó luôn duy trì gạo bán lẻ từ 1.000 - 2.000 tấn thơm và khoảng 2.000 tấn gạo thông dụng, với tổng giá trị khoảng 50 tỷ đồng tại các nhà máy và cửa hàng bán lẻ.

- Mặt hàng heo: Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số lượng heo dự báo cung cấp cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 có sản lượng sản phẩm chăn từ 2.000 tấn - 3.000 tấn. Trong đó, sản lượng thịt heo chiếm 75%; thịt gia cầm chiếm 19%, sản lượng thịt bò chiếm 6%; Sản lượng trứng tại trại trung bình 2,1 triệu quả/tháng; số lượng heo hơi từ các tỉnh nhập vào tỉnh Long An và số heo hơi nhập khẩu dự báo cung cấp khoảng 12.000 con trong dịp Tết. Giá heo hơi hiện đang ở mức thấp, giá một số mặt hàng thịt heo bán tại các chợ truyền thống tương đương so với cùng kỳ năm 2022. Dự báo tình hình tiêu thụ sản phẩm thịt heo trong các ngày giáp Tết có xu hướng tăng từ 20 - 25% so với ngày bình thường.

- Số lượng thịt khác: Hiện tại, trên 90% gia súc, gia cầm giết mổ trên địa bàn tỉnh được thực hiện tại các cơ sở giết mổ có sự kiểm soát của thú y, đảm bảo tương đối tốt việc cung cấp sản phẩm động vật đạt yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Sản phẩm động vật sau giết mổ cung cấp đủ cho nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh và xuất đi các tỉnh khác (chủ yếu là Thành phố Hồ Chí Minh). Trên địa bàn tỉnh có 45 cơ sở giết mổ tập trung (gồm 20 cơ sở giết mổ heo, 06 cơ sở giết mổ trâu bò, 10 cơ sở giết mổ gia cầm, 02 cơ sở giết mổ dê, 07 cơ sở giết mổ hỗn hợp heo và trâu bò). Số lượng kiểm soát giết mổ bình quân mỗi ngày như sau: Phục vụ thị trường ngoài tỉnh: 195 con trâu, bò; 2150 con heo; 20 con dê và 120.000 con gia cầm; Phục vụ thị trường trong tỉnh: 80 con trâu, bò; 660 con heo; 10 con dê và 6.000 con gia cầm, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường của tỉnh. Như vậy, sản lượng thu hoạch sản phẩm chăn nuôi đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của tỉnh và có khả năng cung cấp cho thị trường ngoài tỉnh là khoảng 60% sản lượng.

- Xăng dầu, chai LPG: Trên địa bàn tỉnh có 475 cửa hàng xăng dầu với mức dự trữ thường xuyên khoảng 30.000 m3, được bố trí đều khắp 15 huyện, thị xã và thành phố. Trong đó, Công ty Xăng dầu Long An thường xuyên duy trì khoảng 14.100 m3 (xăng 7.000 m3, dầu diesel 7.000 m3, dầu hỏa 100 m3) tổng giá trị khoảng 315 tỷ đồng với 65 cửa hàng trực thuộc và các đại lý trải đều trên địa bàn toàn tỉnh, đảm bảo phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 03 kho khí dầu mỏ hoá lỏng: kho Long Hưng Việt Nam sức chứa 11.550 m3, kho Bến Lức sức chứa 3.500 m3 và kho xăng dầu Tân Tập sức chứa 2.000 m3, 18 thương nhân kinh doanh mua bán LPG đảm bảo phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết.

- Hoa, cây kiểng: các hộ kinh doanh hoa, cây kiểng đã tập trung về các chợ hoa nhiều, giá có xu hướng tăng từ 05% - 10% so với thời điểm cùng kỳ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

2. Tình hình thị trường, giá cả từ ngày 19/01/2024 đến ngày 29/01/2024 (nhằm ngày 09 đến ngày 19 tháng Chạp năm Quý Mão 2023)

Hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh nhộn nhịp hơn khi lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết đã được các đơn vị sản xuất, kinh doanh chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng cung ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu của người tiêu dùng, tuy nhiên sức mua giảm so với cùng kỳ năm 2023 do người dân có tâm lý giảm chi tiêu mua hàng hóa.

Sức mua tại các chợ truyền thống giảm khoảng 10% - 20% so với cùng kỳ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023; tại siêu thị Co.op Mart Tân An sức mua tăng khoảng 50% so với ngày thường, nhưng giảm từ 8% - 12% so với cùng kỳ năm 2023 (theo nhóm hàng); siêu thị Co.op Mart Cần Giuộc, siêu thị Co.op Mart Bến Lức sức mua tăng 30% so với ngày thường và giảm 10% - 15% so cùng kỳ năm 2023; riêng tại siêu thị Winmart Long An sức mua giảm 25% so với cùng kỳ năm 2023; tại hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh sức mua giảm 07 - 10% so với cùng kỳ năm 2023. Hàng hóa thiết yếu trên thị trường tỉnh rất đa dạng và phong phú, giá cả hàng hóa tương đối ổn định, không có biến động lớn về giá.

Dự báo nhu cầu mua sắm Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 sẽ có xu hướng tăng từ ngày 07/02/2024 - 09/02/2024 và tăng mạnh vào 03 ngày giáp Tết (Nhằm ngày 28, 29, 30 tháng Chạp năm Quý Mão 2023) người dân tập trung mua sắm hàng hóa, nhất là các mặt rau, củ, quả, thủy sản và thịt các loại, và mua hàng hóa dự trữ các ngày Tết. Tuy nhiên, sức mua sẽ có xu hướng giảm so với cùng kỳ Tết nguyên đán Quý Mão năm 2023 do thu nhập của người dân giảm vì chưa thu hoạch vụ lúa Đông Xuân và công nhân nghỉ việc do các Công ty cắt giảm hợp đồng nên người dân chi tiêu tiết kiệm hơn.

Diễm Chi


SỞ TÀI CHÍNH TỈNH LONG AN

Chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở - Phạm Văn Đô
Địa chỉ: 57 Trương Định, Phường 1, TP. Tân An, tỉnh Long An 
Điện thoại: (0272) 3826 435 * Fax: (0272) 3823 987  * Email: stc@longan.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang