image banner
Những nội dung mới trong Nghị định 29/2023/NĐ-CP ngày 3/6/2023 của Chính phủ.
Những nội dung mới trong Nghị định 29/2023/NĐ-CP ngày 3/6/2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/7/2023.

Chánh Văn phòng Bộ, Người phát ngôn của Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết, ngày 03/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2023/NĐ-CP quy định về tinh giản biên chế (thay thế Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018, Nghị định số 143/2020/NĐ-CP ngày 10/12/2020) và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/7/2023. Trong đó có những điểm mới, cụ thể:

Thứ nhất, về đối tượng thực hiện chính sách tinh giản biên chế

Nhằm thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Thông báo số 20-KL/TW ngày 08/9/2022 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 về tiếp tục thực hiện chủ trương, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Nghị định đã bổ sung các đối tượng sau:

Cán bộ, công chức đang trong thời gian bị kỷ luật nhưng chưa đến mức bị bãi hoặc bị buộc thôi việc theo quy định của pháp luật tại thời điểm tinh giản biên chế, cá nhân tự nguyện tinh giản biên chế, được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý (phù hợp với Thông báo số 20-KL/TW).

Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp thôn, tổ dân phố khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền theo yêu cầu của Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15.

Theo đề nghị của các Bộ, ngành, địa phương và để tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, đơn vị bổ sung người thay thế nhằm nâng cao chất lượng, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Nghị định đã bổ sung các đối tượng sau:

Cán bộ, công chức, viên chức trong năm trước liền kề được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ, tự nguyện tinh giản biên chế, được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

Cán bộ, công chức, viên chức trong năm xét tinh giản biên chế được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ trở xuống, tự nguyện tinh giản biên chế, được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

Cán bộ, công chức, viên chức trong năm xét tinh giản biên chế có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định, có xác nhận của cơ quan Bảo hiểm xã hội, cá nhân tự nguyện tinh giản biên chế, được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

Thứ hai, về chính sách tinh giản biên chế

Một là, về chính sách nghỉ hưu trước tuổi

Việc xác định tuổi hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi đối với cán bộ, công chức, viên chức được xác định theo tuổi nghỉ hưu thực tế cả từng người (quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II Nghị định số 135/2020/NĐ-CP) để đảm bảo phù hợp với quy định tại Kết luận số 08-KL/TW ngày 15/6/2021 của Bộ Chính trị về tuổi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.

Điều chỉnh điều kiện hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi đối với nữ cán bộ, công chức cấp xã có từ đủ 15 năm và dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội đảm bảo phù hợp với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019.

Hai là, bổ sung 02 chính sách nhằm khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính nghỉ việc ngay theo yêu cầu của Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15, cụ thể:

Chính sách nghỉ hưu trước tuổi đối với cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã có tuổi thấp hơn tối đa đủ 10 tuổi và thấp hơn tối thiểu trên 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Điều kiện hưởng chính sách: (1) Có tuổi đời thấp hơn tối đa đủ 10 tuổi và thấp hơn tối thiểu trên 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP; (2) Có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên;

Về chính sách: Ngoài hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội còn được hưởng các chính sách sau: (1) Được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương bình quân cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu; (2) Được trợ cấp 05 tháng tiền lương bình quân cho hai mươi năm đầu công tác, có đóng đủ bảo hiểm xã hội bắt buộc. Từ năm thứ hai mươi mốt trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương.

Chính sách đối với đối tượng tinh giản biên chế dôi dư do sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nghỉ từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền đến trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp:

Đối với cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã dôi dư do sắp xếp lại đơn vị hành chính, ngoài hưởng một trong các chính sách như các trường hợp tinh giản biên chế khác thì được hưởng thêm mức trợ cấp như sau:

Đối với cán bộ: Nếu nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ khi có quyết định của cấp có thẩm quyền: Cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc nhiệm kỳ thì được hưởng trợ cấp bằng 1/2 tháng tiền lương hiện hưởng;

Nếu nghỉ sau 12 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền đến trước thời điểm kết thúc nhiệm kỳ: Cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc nhiệm kỳ thì được hưởng trợ cấp bằng 1/4 tháng tiền lương hiện hưởng;

Riêng đối tượng có thời điểm nghỉ hưu trước thời điểm kết thúc nhiệm kỳ thì số tháng được hưởng trợ cấp được tính bằng số tháng nghỉ trước so với thời điểm nghỉ hưu nêu trên.

Đối với công chức, viên chức: Nếu nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ khi có quyết định của cấp có thẩm quyền: Cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình giải quyết cán bộ, công chức, viên chức dôi dư theo quyết định của cấp có thẩm quyền thì được hưởng trợ cấp bằng 1/2 tháng tiền lương hiện hưởng;

Nếu nghỉ sau 12 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền đến trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp: Cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình giải quyết cán bộ, công chức, viên chức dôi dư theo quyết định của cấp có thẩm quyền thì được hưởng mức trợ cấp bằng 1/4 tháng tiền lương hiện hưởng;

Riêng đối tượng có thời điểm nghỉ hưu trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp thì số tháng được hưởng trợ cấp được tính bằng số tháng nghỉ trước so với thời điểm nghỉ hưu nêu trên.

Đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nghỉ trong thời gian 12 tháng kể khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền thì được hưởng trợ cấp như sau:

Đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố giữ các chức danh bầu cử: Cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc nhiệm kỳ thì được hưởng trợ cấp bằng 1/2 mức phụ cấp hàng tháng hiện hưởng. Riêng đối tượng có thời điểm nghỉ hưu trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp thì số tháng được hưởng trợ cấp được tính bằng số tháng nghỉ trước so với thời điểm nghỉ hưu nêu trên;

Đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố giữ các chức danh không do bầu cử: Cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp được hưởng trợ cấp bằng 1/2 mức phụ cấp hàng tháng hiện hưởng. Riêng đối tượng có thời điểm nghỉ hưu trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp thì số tháng được hưởng trợ cấp được tính bằng số tháng nghỉ trước so với thời điểm nghỉ hưu nêu trên.

Thứ ba, về thẩm quyền và trách nhiệm trong việc giải quyết chính sách tinh giản biên

Thực hiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, Nghị định đã phân cấp triệt để, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giao trách nhiệm cho người đứng đầu các Bộ, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc xem xét, phê duyệt và quyết định thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ; định kỳ hàng năm tổng hợp kết quả, đánh giá tình hình thực hiện tinh giản biên chế thuộc phạm vi quản lý gửi về Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, để đảm bảo tính thống nhất, đúng quy định về quy trình, hồ sơ trong quá trình thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 03/6/2023 của Chính phủ,  ngày 12/7/2023, Sở Nội vụ ban hành hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện (Hướng dẫn số 2163/HD-SNV) như sau:

1. Về điều kiện áp dụng

Tại thời điểm xét tinh giản biên chế, hồ sơ tinh giản biên chế phải đáp ứng quy định tại các Điều 5, 6, 7, 8, 9 Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 03/6/2023 của Chính phủ, điều kiện tương ứng với hình thức tinh giản biên chế theo các chính sách (chính sách nghỉ hưu trước tuổi; chính sách chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước; chính sách thôi việc; chính sách nghỉ hưu trước tuổi đối với cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã có tuổi thấp hơn tối đa đủ 10 tuổi và thấp hơn tối thiểu trên 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; chính sách đối với đối tượng tinh giản biên chế dôi dư do sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nghỉ từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền đến trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp) và không thuộc một trong các trường hợp chưa xem xét tinh giản biên chế theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 29/2023/NĐ-CP. 

2. Về thành phần hồ sơ xét tinh giản biên chế

2.1. Thành phần hồ sơ bắt buộc:

Cơ quan, tổ chức, đơn vị có đối tượng thực hiện tinh giản biên chế lập hồ sơ đề nghị thẩm định gồm:

(1) Văn bản đề nghị thẩm định hồ sơ tinh giản biên chế của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có đối tượng thực hiện tinh giản biên chế;

(2) Đề án tinh giản biên chế của năm có đối tượng đề nghị tinh giản biên chế;

(3) Biên bản họp xét tinh giản biên chế;

(4) Danh sách tổng hợp tinh giản biên chế theo Biểu đính kèm và dự toán kinh phí thực hiện;

(5) Đơn cá nhân tự nguyện tinh giản biên chế và được Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;

(6) Bản ghi quá trình đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội, trong đó xác định thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (nếu có);

(7) Quyết định phê chuẩn, tuyển dụng, công nhận;

(8) Các quyết định lương và phụ cấp, trợ cấp trong 05 năm cuối (60 tháng) trước thời điểm tinh giản biên chế.

2.2. Thành phần hồ sơ tương ứng với các trường hợp tinh giản biên chế

a) Đối tượng tinh giản biên chế theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Nghị định số 29/2023/NĐ-CP (dôi dư do rà soát sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự…):

 Các quyết định sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện chế độ tự chủ.

b) Đối tượng tinh giản biên chế theo điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị định số 29/2023/NĐ-CP (dôi dư do sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã…): 

- Quyết định sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, ấp, khu phố của cấp có thẩm quyền.

- Văn bản xác định thời điểm kết thúc lộ trình giải quyết cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở ấp, khu phố dôi dư của cấp có thẩm quyền.

- Văn bản xác định thời điểm kết thúc nhiệm kỳ của cấp có thẩm quyền (đối với đối tượng cán bộ, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở ấp, khu phố giữ các chức danh bầu cử).

c) Đối tượng tinh giản biên chế theo điểm c  khoản 1 Điều 2 Nghị định số 29/2023/NĐ-CP (dôi dư do cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm…):

- Đề án vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Danh sách cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị.

d) Đối tượng tinh giản biên chế theo điểm d khoản 1 Điều 2 Nghị định số 29/2023/NĐ-CP (chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm…):

- Đề án vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Bản sao văn bằng chuyên môn.

- Bản xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chưa đạt chuẩn theo yêu cầu vị trí việc làm đang đảm nhiệm nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí, đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ hoặc được cơ quan bố trí việc làm khác nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế.

đ) Đối tượng tinh giản biên chế theo điểm đ khoản 1 Điều 2 Nghị định số 29/2023/NĐ-CP (có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức, viên chức có 01 năm xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ…):

- Bảng đánh giá, xếp loại chất lượng năm của cá nhân (02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế; trong năm trước liền kề hoặc trong năm thực hiện xét tinh giản biên chế).

- Quyết định đánh giá, xếp loại chất lượng năm của cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức (02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế; trong năm trước liền kề hoặc trong năm thực hiện xét tinh giản biên chế tùy theo từng trường hợp tương ứng).

Lưu ý: Bảng đánh giá, xếp loại chất lượng của cá nhân thực hiện đúng theo các tiêu chí xếp loại chất lượng theo quy định của pháp luật về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.

e) Đối tượng tinh giản biên chế theo điểm e khoản 1 Điều 2 Nghị định số 29/2023/NĐ-CP (có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế mà trong từng năm đều có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định…):

- Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội của cấp có thẩm quyền;

- Giấy xác nhận của cơ quan Bảo hiểm Xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định và các giấy tờ khác có liên quan đến việc giải quyết chế độ trợ cấp ốm đau theo quy định.

g) Đối tượng tinh giản biên chế theo điểm g khoản 1 Điều 2 Nghị định số 29/2023/NĐ-CP (cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ, chức danh do sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính theo quyết định của cấp có thẩm quyền…):

- Quyết định sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính của cơ quan có thẩm quyền.

- Quyết định miễn nhiệm, thôi giữ chức vụ, nghị quyết miễn nhiệm hoặc các văn bản có liên quan chứng minh thôi giữ chức vụ, chức danh.

h) Đối tượng tinh giản biên chế theo điểm h khoản 1 Điều 2 Nghị định số 29/2023/NĐ-CP (cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian bị kỷ luật nhưng chưa đến mức bị bãi nhiệm hoặc bị buộc thôi việc theo quy định của pháp luật…):

- Quyết định xử lý kỷ luật;

- Bản xác nhận thời gian thi hành kỷ luật của cấp có thẩm quyền.

3. Thời gian thực hiện

Các cơ quan, đơn vị lập danh sách và dự toán kinh phí thực hiện tinh giản biên chế cho từng đối tượng tinh giản biên chế gửi về Sở Nội vụ 02 đợt/năm, để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Đợt 1: Các đối tượng có thời điểm tinh giản biên chế 6 tháng đầu năm, hồ sơ gửi về Sở Nội vụ trước ngày 01/10 của năm trước liền kề.

- Đợt 2: Các đối tượng có thời điểm tinh giản biên chế 6 tháng cuối năm, hồ sơ gửi về Sở Nội vụ trước ngày 01/05 hàng năm.

- Riêng đối tượng tinh giản biên chế do sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, ấp, khu phố thì cơ quan, đơn vị nếu có nhu cầu thì lập danh sách và dự toán kinh phí thực hiện tinh giản biên chế cho từng đối tượng tinh giản biên chế gửi về Sở Nội vụ sau khi quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, ấp, khu phố của cấp có thẩm quyền có hiệu lực thi hành.

Hướng dẫn này thay thế các văn bản trước đây liên quan đến việc hướng dẫn thực hiện tinh giản biên chế.

Nguồn trích một phần từ trang kiểm soát thủ tục hành chính


SỞ TÀI CHÍNH TỈNH LONG AN

Chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở - Phạm Văn Đô
Địa chỉ: 57 Trương Định, Phường 1, TP. Tân An, tỉnh Long An 
Điện thoại: (0272) 3826 435 * Fax: (0272) 3823 987  * Email: stc@longan.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang