image banner
Hướng dẫn việc lập dự toán, quyết toán kinh phí bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 102/2020/TT-BTC hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 08/01/2020.

Thông tư nêu rõ kinh phí phục vụ cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được sử dụng chi cho các nội dung sau: Chi xây dựng các văn bản hướng dẫn phục vụ công tác bầu cử và các báo cáo, văn bản liên quan đến công tác bầu cử; Chi in ấn tài liệu, ấn phẩm phục vụ bầu cử.

Chi xây dựng, cập nhật, vận hành trang thông tin điện tử về công tác bầu cử của Hội đồng bầu cử quốc gia; chi trang thiết bị phục vụ Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia; Chi cho công tác bảo đảm an ninh, trật tự, thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn và vận động bầu cử.

Chi tổ chức các hội nghị; Chi cho công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác bầu cử; Chi công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và giám sát hoạt động khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử; Chi phí hành chính cho công tác bầu cử.

Hướng dẫn rõ mức chi tại Trung ương và địa phương

Về mức chi tại Trung ương bao gồm chi tổ chức hội nghị: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.

Chi bồi dưỡng các cuộc họp gồm các cuộc họp của Hội đồng bầu cử quốc gia, các Tiểu ban của Hội đồng bầu cử quốc gia, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với mức chi Chủ trì cuộc họp: 200.000 đồng/người/buổi; Thành viên tham dự: 100.000 đồng/người/buổi; Các đối tượng phục vụ: 50.000 đồng/người/buổi.

Về mức chi công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát bầu cử của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, các Tiểu ban của Hội đồng bầu cử quốc gia, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thông tư hướng dẫn ngoài chế độ thanh toán công tác phí theo quy định hiện hành, các đoàn công tác được chi như sau: Trưởng đoàn giám sát: 200.000 đồng/người/buổi; Thành viên chính thức của đoàn giám sát: 100.000 đồng/người/buổi; Cán bộ, công chức, viên chức phục vụ đoàn giám sát gồm: Phục vụ trực tiếp đoàn giám sát: 80.000 đồng/người /buổi và Phục vụ gián tiếp đoàn giám sát (Lái xe, bảo vệ lãnh đạo): 50.000 đồng/người/buổi.

Đối với mức chi tại địa phương, Thông tư nêu: Đối với các nội dung chi quy định tại Điều 2 Thông tư này, căn cứ mức kinh phí quy định tại Điều 3 Thông tư này, căn cứ mức kinh phí phục vụ cho công tác bầu cử do ngân sách Trung ương đảm bảo theo thông báo, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương và khả năng cân đối ngân sách địa phương, Chủ tịch Uỷ ban bầu cử cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thống nhất với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố quyết định về mức chi, thời gian được hưởng hỗ trợ cụ thể tại địa phương.

Đối với các nhiệm vụ chi có tính đặc thù ở địa phương ngoài các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu đã quy định: Căn cứ mức kinh phí phục vụ cho công tác bầu cử do ngân sách Trung ương đảm bảo theo thông báo và quy định tại Thông tư này, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương và khả năng cân đối ngân sách địa phương, Chủ tịch Uỷ ban bầu cử cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thống nhất với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố quyết định về mức chi cụ thể tại địa phương.

Lập, chấp hành dự toán và hạch toán, quyết toán kinh phí

Thông tư cũng hướng dẫn cụ thể về cách lập, chấp hành dự toán và hạch toán, quyết toán kinh phí. Việc lập dự toán, quản lý, cấp phát, thanh toán và quyết toán kinh phí bầu cử thực hiện theo các quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn thi hành, Thông tư này hướng dẫn một số điểm cụ thể như sau:

Về lập dự toán: Đối với các Bộ, cơ quan Trung ương: Căn cứ nhiệm vụ, hoạt động phục vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được Hội đồng bầu cử quốc gia giao, căn cứ các chế độ chi tiêu quy định tại Thông tư này và các chế độ chi tiêu hiện hành, các Bộ, cơ quan Trung ương được giao chủ trì tổ chức các hoạt động bầu cử, xây dựng dự toán kinh phí phục vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 gửi Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia, đồng gửi Bộ Tài chính.

Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Căn cứ số lượng cử tri tại địa phương, căn cứ các chế độ chi tiêu được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các Tổ bầu cử, Ban bầu cử (Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Ban bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã) xây dựng dự toán kinh phí tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình gửi Ủy ban bầu cử cùng cấp tổng hợp gửi Ủy ban bầu cử cấp trên.

Về phân bổ và giao dự toán: Sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định kinh phí tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu đồng nhân dân các cấp, Bộ Tài chính thông báo mức kinh phí bầu cử cho Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các Bộ, cơ quan Trung ương được giao chủ trì tổ chức chuẩn bị bầu cử.

Thu Trang-www.mof.gov.vn

SỞ TÀI CHÍNH TỈNH LONG AN

Chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở - Phạm Văn Đô
Địa chỉ: 57 Trương Định, Phường 1, TP. Tân An, tỉnh Long An 
Điện thoại: (0272) 3826 435 * Fax: (0272) 3823 987  * Email: stc@longan.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang